>
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy 5 tỷ người trên toàn cầu có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vì tiêu thụ các chất béo chuyển hóa có hại.
Theo WHO, chất béo chuyển hóa được sản xuất công nghiệp (còn gọi là axit béo chuyển hóa) thường xuất hiện trong thực phẩm đóng gói, nguyên liệu làm bánh, dầu ăn. Lượng chất béo chuyển hóa này là nguyên nhân gây ra 500.000 ca tử vong sớm vì bệnh tim, mạch vành mỗi năm trên thế giới.
“Chất béo chuyển hóa không có lợi, để lại những rủi ro sức khỏe rất lớn, tạo áp lực chi phí lên hệ thống y tế. Ngược lại, loại bỏ chất béo chuyển hóa sẽ tiết kiệm, mang lại lợi ích to lớn cho sức khỏe. Nói một cách đơn giản, chất béo chuyển hóa là hóa chất độc hại gây chết người, không nên xuất hiện trong thực phẩm. Đã đến lúc để loại bỏ nó mãi mãi”, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết hôm 12/2.
Năm 2018, WHO lần đầu kêu gọi loại bỏ hoàn toàn các loại chất béo chuyển hóa khỏi sản phẩm công nghiệp. Đến nay, 43 quốc gia đã thực hiện các chính sách để giải quyết các vấn đề về chất béo chuyển hóa trong thực phẩm, bảo vệ 2,8 tỷ người.
Tuy nhiên, 5 tỷ người khác vẫn chịu tác động tàn phá sức khỏe. Điều này khiến thế giới không đạt được mục tiêu loại bỏ hoàn toàn chất béo chuyển hóa vào năm 2023.
Hiện nay, 9 trên tổng số 16 quốc gia có tỷ lệ tử vong do bệnh tim, mạch vành cao nhất do hấp thụ chất béo chuyển hóa. Các nước này là Australia, Azerbaijan, Bhutan, Ecuador, Ai Cập, Iran, Nepal, Pakistan và Hàn Quốc.
Theo WHO, phương pháp hiệu quả để loại bỏ chất béo chuyển hóa là tuân theo các tiêu chí cụ thể do tổ chức thiết lập, hạn chế chất béo chuyển hóa sản xuất công nghiệp.
Lựa chọn thay thế đầu tiên là đề ra giới hạn quốc gia là 2 g chất béo chuyển hóa trên 100 g tổng lượng chất béo ở tất cả thực phẩm. Lựa chọn thứ hai là cấm sản xuất hoặc sử dụng dầu hydro hóa (nguồn chất béo chuyển hóa chính) làm thành phần trong tất cả thực phẩm.
Thục Linh (Theo WHO)