>
Uống thuốc đều đặn, thường xuyên kiểm tra đường huyết, tập thể dục, chọn thực phẩm lành mạnh giúp kiểm soát bệnh tiểu đường vào thời điểm sau Tết.
Theo BS.CKII Trần Thùy Ngân, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, những ngày sau Tết, cuộc sống người bệnh tiểu đường dễ gặp phải một số xáo trộn do thói quen ăn, ngủ không đúng giờ. Một số người quên uống thuốc, hết thuốc do kiêng cữ không đi khám bệnh đầu năm. Nhu cầu ăn uống ngày Tết cũng khiến nhiều người thả ga với các món ăn giàu tinh bột, dầu mỡ hoặc uống nhiều rượu, bia, cà phê, hút thuốc.
Bác sĩ Ngân gợi ý người bệnh tiểu đường có thể thực hiện những cách sau để giảm nguy cơ tăng đường huyết, góp phần bảo vệ sức khỏe tốt.
Kiểm tra đường huyết thường xuyên: Trong và sau Tết, người bệnh nên đo đường huyết ít nhất 2 lần mỗi ngày vào trước các bữa ăn sáng, tối và khi có các biểu hiện của hạ đường huyết (đói, mệt, vã mồ hôi…) hoặc tăng đường huyết (uống nhiều, tiểu nhiều, đau đầu..)
Lưu ý thời điểm dùng bữa: Vào những ngày Tết, bữa ăn chính của nhiều gia đình thường bị xáo trộn như tiếp khách, ăn vặt nhiều, ăn trễ, ăn trước khi đi ngủ… Người bệnh nên duy trì đủ 3 bữa ăn chính, 2 bữa ăn phụ và đảm bảo thời gian cố định như ngày bình thường, không ăn theo sự thay đổi bữa ăn của gia đình.
Chọn lọc kỹ lưỡng trước khi ăn: Sau Tết các món ăn nhiều tinh bột, đường, chất béo vẫn còn. Người mắc tiểu đường nên có kế hoạch cân đối lượng dinh dưỡng nạp vào. Nếu các món ăn có hàm lượng tương tự nhau, bạn nên chọn ăn một loại hoặc mỗi loại một ít để không vượt quá khẩu phần ăn hàng ngày.
Chế biến món ăn phù hợp với bệnh: Người bệnh tiểu đường nên ăn món luộc, canh xương hầm, hạn chế ăn các món chiên, xào. Sau Tết, các món giò nạc, giò bò, các loại nem rán cũng nên hạn chế.
Ưu tiên rau xanh: Rau xanh là thực phẩm tốt cho sức khỏe, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau từ rau củ luộc cho đến làm món salad. Rau xanh có lượng calo thấp, giàu chất xơ, ít tinh bột giúp no lâu mà không cần phải ăn quá nhiều món ăn có hàm lượng calo cao, nhiều chất béo.
Ăn chậm rãi, từng chút một: Người bệnh nên ăn chậm rãi, từng chút một với các món ăn phù hợp theo khẩu phần trong ngày. Các món ăn cần đảm bảo không làm thay đổi quá nhiều lượng đường huyết.
Tăng tập thể dục: Tập thể dục làm tăng sự trao đổi chất, cải thiện đáp ứng của cơ thể với insulin, sự hấp thu glucose vào cơ và các cơ quan. Điều này giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Vì bạn có thể ăn nhiều hơn trong ngày Tết nên việc tập thể dục cũng giúp đốt cháy năng lượng dư thừa.
Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Lịch sinh hoạt hàng ngày trong dịp Tết thường bị xáo trộn khiến người bệnh quên uống thuốc, tiêm insulin hoặc có tâm lý “kiêng” uống thuốc vào ngày Tết. Những điều này có thể làm lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt, tăng đột ngột gây ra những biến chứng nguy hiểm. Người bệnh cần uống thuốc đều đặn, đầy đủ, đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ nội tiết – đái tháo đường để giữ đường huyết ổn định.
Mai Hoa