>
Sau một tuần ăn Tết với đủ các món bánh, thịt, mứt, gia đình tôi thường nấu lẩu để ăn được nhiều rau hơn. Xin chuyên gia chia sẻ cách ăn lẩu đúng và ngon? (Ngọc, 45 tuổi, Hà Nội)
Trả lời:
Tết đến, xuân về là dịp để đoàn viên, gia đình sum họp, vì thế các bữa ăn đầy đủ, cầu kỳ hơn so với ngày thường. Để phục vụ bữa ăn ngày Tết, người dân thường mua nhiều loại thực phẩm để dự trữ và bảo quản trong tủ lạnh. Bữa ăn gồm những thực phẩm như thịt gà, giò lụa, giò bò, chả, giò xào, món xào và canh măng, thừa thịt, thiếu rau xanh.
Sau Tết, mọi người có xu hướng tìm đến các món ăn để “giải ngấy” như tăng cường rau xanh, hoa quả. Các bữa ăn chính thường được thay bằng các món nhúng lẩu, nóng hổi.
Tuy nhiên, có một số lưu ý khi ăn lẩu mà bạn cần chú ý như cần ăn chín uống sôi. Trên thực tế, nhiều người có thói quen vừa cho đồ ăn vào nồi lẩu đã gắp ra, trong khi đó thức ăn mới chín được một nửa. Việc thực ăn vẫn chứa ký sinh trùng có thế khiến người dân bị tiêu chảy.
Ngoài ra, không nên ăn khi vừa mới gắp ra vì ăn nóng có thể gây bỏng niêm mạc miệng và họng, gây nhiễm trùng. Không ăn quá mặn vì sẽ tác động không tốt tới sức khỏe, đặc biệt với người bị huyết áp cao.
Để đảm bảo sức khỏe, bạn nên ăn rau trước, sau cùng là thịt. Như vậy, dạ dày không phải làm việc quá tải. Trong quá trình ăn lẩu cũng nên uống thêm nước để giúp thức ăn tiêu hóa nhanh hơn.
Mỗi bữa ăn chỉ nên kéo dài 45 phút đến một tiếng đồng hồ, vì khi kéo dài thời gian ăn uống, hệ tiêu hóa sẽ phải làm việc vất vả hơn, gây quá tải ảnh hưởng sức khỏe.
Bác sĩ Trương Hồng Sơn
Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam