>
Bỏ hoàn toàn thuốc lá là tốt nhất nhưng với người chưa thể cai thuốc, theo các chuyên gia, có thể chấp nhận các giải pháp giảm tác hại.
Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia ký kết sớm nhất Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Luật Phòng Chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) cũng đã sớm được ban hành với những quy định về biện pháp giảm nhu cầu sử dụng; kiểm soát nguồn cung thuốc lá cũng như điều kiện đảm bảo phòng chống tác hại thuốc lá. Tuy vậy, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.
Trước thực tế này, các chuyên gia tại tọa đàm “Phòng chống tác hại thuốc lá – Hành động mới từ góc nhìn toàn cầu” do báo VnExpress tổ chức cuối tháng 12/2023 cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục nỗ lực để giảm cung và giảm cầu thuốc lá, cần bổ sung hướng tiếp cận về các biện pháp giảm tác hại đối với những người chưa thể cai thuốc lá.
Trong một khảo sát gần đây, hơn 55% bạn đọc VnExpress cho rằng cần có giải pháp thay thế thuốc lá điếu cho người không thể cai thuốc.
Tại tọa đàm, theo PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Đinh Ngọc Sỹ (Giám đốc Trung Tâm Đào tạo và Nghiên cứu Khoa học Hội Phổi Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung Ương), triệt để cai bỏ thuốc lá vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất, phải cố gắng làm được càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, với người chưa thể cai được thì có thể chấp nhận giải pháp tình thế là cung cấp các sản phẩm được khoa học chứng minh, được cơ quan chức năng kiểm định ít tác hại hơn.
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP HCM, cũng cho rằng giảm tác hại là sự tiếp cận hợp lý về mặt y khoa, nhất là đối với những bệnh nhân bị tác động trực tiếp bởi thuốc lá, ví dụ như người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
“Người bệnh COPD, nếu không thể cai thuốc lá được thì chuyển sang các giải pháp giảm tác hại. Khi hàm lượng các chất độc hại trong thuốc lá giảm đi thì có thể giảm đợt cấp và làm chậm sự tiến triển của bệnh”, BS Ngọc nói.
Ông ý kiến cần có khung quản lý cho các sản phẩm giảm tác hại được chứng minh có nồng độ các chất gây hại thấp hơn thuốc lá điếu. Đối với cộng đồng, cần phải có những tiêu chuẩn quản lý nghiêm ngặt cho những nhóm đối tượng không được phép tiếp cận thuốc lá như người già, trẻ nhỏ, những người đã thành công cai thuốc lá điếu.
Cũng trong khảo sát nói trên, 60% bạn đọc cho rằng có thể cân nhắc các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) có đầy đủ bằng chứng nghiên cứu khoa học, được cơ quan y tế uy tín thế giới như Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) kiểm định và xác định về hàm lượng các chất gây hại là thấp hơn thuốc lá điếu.
Từ góc độ khoa học, BS Ngọc lý giải rằng, sự khác biệt về mặt nhiệt độ để thuốc lá giải phóng ra các chất độc hại là nguyên lý mà các nhà sản xuất căn cứ để tạo ra các sản phẩm giảm tác hại. Nguyên lý của thuốc lá nung nóng (thuốc lá làm nóng) là áp dụng nhiệt độ thấp hơn mức nhiệt xảy ra phản ứng đốt cháy nên những chất độc hại tạo ra sẽ thấp. Trong khi đó, nếu chúng ta tiếp tục tăng nhiệt độ lên để đốt cháy điếu thuốc lá thì sẽ giải phóng ra rất nhiều chất độc hại, cao hơn 90% so với công nghệ làm nóng.
“Mức độ giảm tác hại của TLTHM tới 90% so với khói thuốc lá điếu đốt cháy là điều rất đáng lưu ý”, BS Ngọc nói. Đồng thời, bác sĩ dẫn chứng, hiện nay, dựa trên những kiểm định về mặt kỹ thuật, khoa học, cũng như đánh giá về mặt thí nghiệm trên chuột, trên những người tình nguyện, các tổ chức như FDA Mỹ, cũng như một số cơ quan khác ở Châu Âu và Nhật Bản đã cho phép những sản phẩm giảm tác hại thuốc lá được lưu hành trên thị trường dưới sự quản lý của nhà nước.
“Đối với giới y khoa và bản thân tôi là bác sĩ về hô hấp, chúng tôi luôn mong muốn có một sản phẩm được chính thức kiểm soát về mặt chất lượng và công nghệ để những người không thể nào cai thuốc lá chuyển sang chế độ giảm tác hại. Trong y khoa, cách tiếp cận giảm tác hại gần như được áp dụng với mọi bệnh, chứ không phải chỉ liên quan tới COPD hay ung thư phổi”, BS Ngọc nhận định.
Thu Phương