Trang chủ Sức khỏeDinh dưỡng Có nên cho trẻ nhỏ ăn gần giờ đi ngủ?

Có nên cho trẻ nhỏ ăn gần giờ đi ngủ?

bởi Linh

>

Bà nội thường cho cháu trai hơn hai tuổi ăn bữa tối sau 20h với lý do ăn muộn để no lâu, đêm ngủ một mạch đến sáng, không quấy đòi sữa. Xin hỏi chuyên gia chế độ ăn này có đúng không? (Phương, Hà Nội)

Trả lời:

Ăn tối muộn không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Bé sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn những gì cơ thể yêu cầu, đặc biệt nếu đã ăn tối. Bữa ăn muộn thường xảy ra gần với giờ đi ngủ của trẻ, khi sự trao đổi chất của trẻ thấp hơn và cơ thể đốt cháy ít calo hơn. Lượng calo thừa sau đó sẽ được lưu trữ dưới dạng chất béo. Hệ tiêu hóa của trẻ cũng có ít thời gian hơn để nghỉ ngơi và phục hồi, vì nó phải xử lý các bữa ăn muộn.

Chất lượng chế độ ăn uống kém là một phần của vấn đề, vì thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế thường là lựa chọn ưu tiên cho bữa tối. Nếu giữ thói quen ăn sát giờ đi ngủ, trẻ sẽ tăng cân do ăn quá nhiều, dẫn đến thừa cân hoặc béo phì.

Ăn khuya cũng làm gián đoạn đồng hồ sinh học của cơ thể, vì phản ứng của glucose và insulin với thức ăn được ăn trong giai đoạn này bị rối loạn, dẫn đến kháng insulin theo thời gian.

Bữa ăn muộn trước khi đi ngủ (với các loại thức ăn như sữa, bột, cơm, hoa quả…), sẽ không kịp tiêu hóa hết trong hệ tiêu hóa cộng thêm việc lượng dịch vị tiết ra nhiều hơn bình thường trong giấc ngủ của trẻ gây ứ đọng, đầy hơi – trướng dạ dày. Khi ấy dẫn đến hiện tượng trào ngược thực quản, dịch vị rỉ vào họng, rồi tràn tới thanh quản. Dịch vị của dạ dày trào lên ngược lên thực quản thường xuyên, về lâu dài có thể gây viêm thực quản dẫn đến ho.

Hiện tượng trào ngược thực quản do ăn quá no hoặc thời gian ăn gần giờ đi ngủ gặp ở cả người lớn nhưng rõ nhất là trẻ em. Những trẻ gặp phải tình trạng này thường có biểu hiện bị ho về đêm, thậm chí cả ban ngày khi nằm nghỉ, chơi hay ngủ (còn được gọi là chứng ho ngang – ho khi ngủ, nghỉ, trong tư thế nằm ngang). Thậm chí có trẻ còn bị trào ngược lên tận mũi gây viêm mũi kéo dài, rất khó chịu và nguy cơ sặc hay nghẹt thở là rất cao, rất nguy hiểm.

Nếu không được can thiệp sớm, ăn tối muộn kéo dài đến tuổi trưởng thành và khó sửa hơn. Điều này có thể trở thành mạn tính và dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Cần tuân theo giờ ăn chính thông thường với thời gian ăn nhẹ lành mạnh xen giữa. Ví dụ, cho trẻ ăn sáng lúc 7h, bữa phụ lúc 10h, bữa trưa lúc 13h, bữa phụ buổi chiều lúc 16h và bữa tối lúc 19h, không có bữa ăn khuya. Như vậy bạn sẽ ngăn chặn cảm giác thèm ăn và ăn quá nhiều trong suốt cả ngày, đặc biệt là vào buổi tối muộn.

Bác sĩ Trương Hồng Sơn

Viện trưởng Y học ứng dụng Việt Nam

Có thể bạn quan tâm