>
Sau Tết, tôi giảm cân bằng cách giới hạn lượng carbohydrate (chất bột, đường) và tăng protein, chất béo trong khẩu phần. Chế độ ăn này có tốt không, thưa bác sĩ? (Linh, 28 tuổi).
Trả lời:
Nhiều người lựa chọn giảm cân bằng cách áp dụng chế độ low-carb sau thời gian ăn uống vô độ.
Low-carb là viết tắt của từ low carbohydrate, tức hạn chế tối đa ăn thực phẩm có chứa tinh bột và đường, như cơm trắng, bánh chưng, ngô, khoai, sắn, bánh kẹo, ngũ cốc và trái cây nhiều đường. Thay vào đó, ăn nhiều chất đạm (protein) và chất béo có trong thịt, cá, trứng, sữa…
Nguyên lý của chế độ ăn này được cho là khi cơ thể dung nạp quá nhiều carbohydrate, chúng có thể chuyển hóa thành đường glucose trong máu, dẫn đến đường huyết tăng. Lúc này, cơ thể sẽ tiết nhiều insulin (để ổn định đường huyết), đồng thời lượng glucose chuyển hóa thành mỡ thừa. Đây là nguyên nhân chính gây ra béo phì.
Tuy nhiên, chế độ này chỉ có thể áp dụng thời gian ngắn, không hợp lý nếu kéo dài. Khi lượng tinh bột bị cắt giảm đột ngột, cơ thể sẽ suy nhược với các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, khó thở, yếu cơ, táo bón hoặc tiêu chảy… Áp dụng quá lâu, cơ thể sẽ bị giới hạn lượng carbohydrate thu nạp, làm tăng nguy cơ thiếu các loại vitamin và khoáng chất, gây loãng xương và mắc nhiều bệnh.
Ngoài ra, ăn nhiều đạm sẽ làm gan, thận phải làm việc nhiều. Chưa kể, những người thừa cân, béo phì cần bổ sung canxi để dự phòng loãng xương vì khung xương phải gánh một trọng lượng lớn. Ăn nhiều đạm sẽ làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu, gây hại cho xương.
Người muốn giảm cân cần kiên trì thực hiện chế độ ăn và tập luyện trong vòng 6 tháng. Đầu tiên áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, nhiều muối như món xào, rán, thức ăn chế biến sẵn, thay vào đó là các món luộc, hấp. Thứ hai là không ăn tối muộn, kiên trì tập luyện hàng ngày.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng
Trưởng khoa Khám, tư vấn dinh dưỡng người lớn
Viện Dinh dưỡng Quốc gia