Ngày 12.12, tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh), Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình đã phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về giải quyết vấn đề lựa giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới.
Quang cảnh hội thảo |
lnh |
Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của hơn 140 đại biểu là đại diện các bộ, ngành, địa phương cùng các cơ quan, đơn vị làm công tác dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tại Vũng Tàu, Bắc Giang.
Tại hội thảo, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình thông tin, theo số liệu điều tra sơ bộ mới nhất vào năm 2021, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức cao là 112 bé trai/100 bé gái.
Dự báo, Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034 và thừa 2,5 triệu nam giới vào năm 2059 nếu tỷ số này vẫn giữ nguyên.
Cũng theo ông Phạm Vũ Hoàng, nguyên nhân gốc rễ, cốt lõi dẫn đến việc mất cân bằng giới tính khi sinh là định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ. Quan niệm thiên lệch về giới này đã được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình, cộng đồng và trong xã hội.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng khoa học kỹ thuật để lựa chọn giới tính trước, trong và sau quá trình thụ thai cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh.
Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình thông tin về tình hình mất cân bằng giới khi sinh tại Việt Nam |
lnh |
Việc mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường về kinh tế – xã hội, thậm chí là cả an ninh chính trị của mỗi quốc gia… Đây cũng là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm, thể hiện qua việc ban hành Luật Bình đẳng giới, đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025…
Liên quan đến vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình cho biết, tại nước ta tuy xuất hiện muộn hơn một số nước nhưng tăng nhanh và lan rộng, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn.
Cụ thể, năm 2006 có 3/6 vùng MCBGTKS thì đến 2020 là 5/6 vùng, chỉ có Tây nguyên là đang ngưỡng an toàn. Các vùng còn lại đều đang đối mặt với tình trạng MCBGTKS, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Hồng, tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận về các vấn đề nóng như: Tình hình thực hiện các can thiệp truyền thông nhằm giải quyết tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam và trên thế giới; Truyền thông sáng tạo chấm dứt lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới; Truyền thông thay đổi hành vi của cộng đồng về lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới;…
Thông qua hội thảo, các bộ, ngành, địa phương cùng các cơ quan đơn vị làm công tác dân số đã có dịp chia sẻ các kinh nghiệm truyền thông sáng tạo, cách làm hay và linh hoạt nhằm giải quyết trình trạng lựa giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới. Qua đó, góp phần sớm cân bằng tỷ lệ giới tính khi sinh của Việt Nam.