Vết chó cắn tưởng đơn giản nhưng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng nặng nếu không xử lý đúng cách. Một trường hợp điển hình cho thấy sự nguy hiểm khi chủ quan với vết thương do động vật gây ra.

Toàn bộ tay chân sưng nề, tím tái sau 5 ngày bị chó cắn.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp, khoa Bệnh Lây đường tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết bệnh nhân N.V.T. (65 tuổi, ở Hải Phòng) nhập viện trong tình trạng sốt cao 38-39,5 độ C, mệt mỏi, toàn bộ bàn tay, cẳng tay, cánh tay phải sưng nề đỏ, đau nhức. Lòng và mu bàn tay bệnh nhân có nhiều nốt mụn mủ thành mảng, kích thước 1×2 cm trên bề mặt da căng nề cứng, có rỉ dịch vàng.
Trước khi vào viện 5 ngày, ông T. bị con chó nhà cắn vào ngón trỏ bàn tay phải, xước da, chảy máu ít. Thay vì đi khám, bệnh nhân tự vệ sinh vết thương bằng nước muối. Sau vài ngày, mu bàn tay phải sưng nề, đau nhức nhiều, lan nhanh lên cẳng tay, cánh tay.
Sau khi nhập viện, ông T. được chẩn đoán viêm mô bào bàn tay, cánh – cẳng tay phải, theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Dù được điều trị kháng sinh, tình trạng nhiễm trùng vẫn tiến triển nặng, xuất hiện viêm phổi hai bên. Các bác sĩ đã phải chọc hút ổ áp xe vùng mu bàn tay, chích rạch tháo mủ cho người bệnh.
May mắn, bệnh nhân dần ổn định sức khỏe, tổn thương da phục hồi dần, thân nhiệt trở về bình thường.
Viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm khuẩn mô mềm cấp tính, thường do vi khuẩn Streptococcus hoặc Staphylococci gây ra. Các triệu chứng bao gồm đau nhức tại vùng bị nhiễm trùng, sưng nề, đỏ da, sốt cao và mệt mỏi. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết.
Các dấu hiệu của viêm mô bào cần lưu ý:
- Đau nhức nhanh chóng tại vùng da bị nhiễm trùng.
- Da sưng, nóng, đỏ và có thể xuất huyết dưới da.
- Bọng nước có thể phát triển và vỡ, gây hoại tử da.
- Sốt cao, ớn lạnh, tim đập nhanh, nhức đầu và tụt huyết áp.
Để phòng tránh biến chứng nguy hiểm, khi bị động vật cắn, cần rửa sạch vết thương và đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.