>
Áp lực công việc, học tập hay thất nghiệp là những yếu tố hình thành nên trạng thái tâm lý căng thẳng ở con người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa các rối loạn liên quan đến căng thẳng (stress) đang dần trở thành vấn đề sức khỏe toàn cầu. Tình trạng này có thể làm giảm năng suất lao động, suy giảm chất lượng cuộc sống và gây ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe khác.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới căng thẳng, tương đương khoảng 15 triệu người. Các nhà nghiên cứu cho biết con số này thực tế còn cao hơn và có chiều hướng gia tăng từng ngày. Đáng quan ngại là hơn 2/3 trong số những người này được cho là đã không được tiếp cận chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở y tế.
Các nguyên nhân gây căng thẳng
Mỗi người đều sẽ đối mặt với căng thẳng vào bất cứ một thời điểm nào đó trong đời và chúng đều đến từ những tác nhân khác nhau. Dưới đây là những nguyên nhân gây nên căng thẳng phổ biến.
Áp lực công việc: Để tìm được và duy trì một công việc tốt, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng… khiến bạn áp lực, căng thẳng. Nếu không được giải quyết sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe; mất niềm tin, đánh giá thấp bản thân, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Quá tải trong học tập, áp lực thi cử: Cứ mỗi mùa thi đến, tỉ lệ học sinh, sinh viên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa tâm thần tăng lên nhiều và phần lớn có liên quan đến căng thẳng do áp lực thi cử.
Thất nghiệp: Căng thẳng vì thất nghiệp và hậu quả của nó tác động lên sức khỏe tâm thần mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Thất nghiệp có thể khiến bản thân tự nhìn nhận mình là người yếu kém. Stress vì thất nghiệp xuất phát phần lớn do thiếu thốn về mặt tài chính, từ đó cảm giác tội lỗi, tự ti về bản thân, thu mình với những người xung quanh và cộng đồng.
Ảnh hưởng từ sự suy thoái kinh tế toàn cầu: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, phá sản. Nhiều sàn giao dịch bất động sản và chứng khoán đóng băng; làm cho nhà đầu tư lao đao vì số tiền đầu tư đang “bốc hơi” một cách nhanh chóng. Các nhà đầu tư loay hoay tìm cách trả nợ ngân hàng, hoặc bán tài sản đang có, làm cho cuộc sống trở nên chật vật, tâm lý đầy khủng hoảng.
Mối nguy hiểm của căng thẳng
ThS.BS. Nguyễn Trung Nghĩa – Đơn vị Tâm lý Tâm thần, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết: “Căng thẳng là phản ứng của tâm lý và cơ thể trước mối đe dọa hay sự thay đổi từ môi trường. Khi gặp tác nhân gây căng thẳng, chúng ta không chỉ xuất hiện những chuyển biến về tâm lý mà cơ thể cũng buộc phải thay đổi để ứng phó với tình huống. Một số các dấu hiệu thường gặp như cơ bắp căng cứng, tim đập nhanh, hơi thở gấp gáp hơn, đồng tử giãn ra, đường huyết và huyết áp tăng, nhiều năng lượng, đầu óc tỉnh táo…”.
Theo BS Nguyễn Trung Nghĩa, căng thẳng là một phản ứng có lợi vì sự thay đổi này giúp con người xử lý các tình huống nguy hiểm, thích nghi và trưởng thành hơn trong quá trình thích nghi đó. Tuy nhiên, căng thẳng quá mức và kéo dài sẽ dẫn đến hàng loạt các vấn đề bệnh lý của cơ thể như suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, mất ngủ, đau mỏi vai gáy… và các rối loạn sức khỏe tinh thần khác như dễ bực bội cáu gắt, khó kiểm soát cảm xúc, lạm dụng rượu bia, lo âu, rối loạn trầm cảm…
BS Nguyễn Trung Nghĩa nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là hãy tìm hiểu về các biểu hiện căng thẳng để tự nhận biết được sớm mức độ và tác động của chúng đã gây ra cho tâm lý và cơ thể của mình. Theo BS Nguyễn Trung Nghĩa gợi ý, mỗi người có thể đến bệnh viện để được thăm khám hoặc sử dụng các công cụ lượng giá tâm lý (hay các bài kiểm tra tâm lý) để đánh giá tình trạng tinh thần của mình tại đây.
Nguyễn Quốc Chinh