Trang chủ Sức khỏeTư vấn Vì sao dân văn phòng dễ đau dạ dày?

Vì sao dân văn phòng dễ đau dạ dày?

bởi Linh

>

Ăn không đúng giờ, ăn quá nhanh, vừa ăn vừa làm việc, ít vận động kèm stress, căng thẳng khiến nhiều người làm việc văn phòng bị đau dạ dày.

Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết đau dạ dày là tình trạng tổn thương, viêm nhiễm bên trong niêm mạc dạ dày. Dấu hiệu thường gặp là những cơn đau ở vùng thượng vị kèm tình trạng chán ăn, ợ chua, buồn nôn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng phổ biến nhất là do viêm loét, nhiễm khuẩn HP, lạm dụng thuốc…, và ngày càng phổ biến trong nhóm làm việc văn phòng vốn ngồi nhiều, ít vận động. Nếu không điều trị, bệnh có nguy cơ tiến triển thành ung thư dạ dày.

Bác sĩ Nam đưa ra 9 lý do, cụ thể:

Ăn uống không đúng giờ.

Do bận rộn cùng thói quen dậy muộn, nhiều người bỏ qua bữa sáng. Nhiều người ăn trưa lúc 13h đến 14h chiều, buổi tối lại ăn muộn và ăn nhiều. Lượng thức ăn nạp vào cơ thể không theo nhịp sinh học bình thường là sáng và trưa ăn nhiều, tối ăn ít. Dịch vị dạ dày (acid HCl) tiết ra quá mức sẽ gây tổn thương niêm mạc dạ dày.

Ăn quá nhanh

Do giờ nghỉ trưa ngắn, nhiều người lại ăn trưa muộn, ăn nhanh, nhai không kỹ. Lúc này, thức ăn xuống dạ dày vẫn ở dạng thô, chưa được trộn đều với men tiêu hóa trong nước bọt, làm tăng gánh nặng cho dạ dày, dịch dạ dày phải tiết nhiều hơn để tiêu hóa. Đây là nguyên nhân của những cơn đau dạ dày cấp tính.

Không rửa tay trước khi ăn

Trong môi trường công sở, bàn làm việc, bàn phím, con chuột, tay nắm cửa…. đều là những ổ vi khuẩn lớn. Nếu không có thói quen rửa tay trước khi ăn, vi khuẩn dễ dàng tấn công khiến dân văn phòng dễ mắc các bệnh về đường ruột như viêm dạ dày cấp tính, đau dạ dày.

Vừa ăn vừa làm việc khác

Đây là thói quen phổ biến của các bạn làm việc văn phòng. Bàn làm việc biến thành bàn ăn, vừa ăn vừa nhìn máy tính, lướt Facebook, đọc báo… khiến não phải xử lý quá nhiều thứ, quá trình tiêu hóa không thông suốt, dạ dày phải tiết nhiều acid hơn, co bóp chậm, lâu hơn, dần dẫn tới tình trạng viêm loét.

Ăn xong nằm nghỉ ngay

Đa số mọi người làm việc bận rộn, giờ nghỉ ít nên ăn xong thường ngủ ngay tại bàn khiến lưu thông máu tới ruột kém đi. Thức ăn không được tiêu hóa hết sẽ gây đầy hơi, chướng bụng, gây những bệnh dạ dày, bệnh đường ruột.

Lạm dụng cà phê, trà đặc

Đây là thức uống quen thuộc giúp giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung. Nhiều người có thể uống 3-4 cốc cà phê hoặc trà đặc một ngày. Trà đặc có nhiều tanin, khiến cho niêm mạc dạ dày co lại, chất protein bị kết tủa, đồng thời làm loãng dịch vị, ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thụ chất sắt cho cơ thể. Bên cạnh đó, trà đặc còn gây mất ngủ, khiến acid dạ dày tăng cao, lâu ngày dẫn đến viêm dạ dày. Người bệnh đau dạ dày uống cà phê vào sẽ làm tăng tiết acid và dịch dạ dày, khiến các vết viêm loét ngày càng lan rộng, thậm chí gây xuất huyết dạ dày.

Ngồi lâu một chỗ, ít vận động

Ngồi liên tục nhiều giờ mà không đứng dậy khiến nhu động dạ dày – ruột giảm, dịch tiêu hóa bài tiết cũng giảm, cơ thể mệt mỏi, tăng nguy cơ béo phì và tăng áp lực lên dạ dày, dẫn tới đau. Nhiều người bị đầy hơi, chướng bụng, ợ hơi, ợ chua, đau tức, nóng rát dạ dày khó chịu, ảnh hưởng đến công việc cũng như cuộc sống.

Hút thuốc, uống rượu bia

Nhóm này thường xuyên hút thuốc, nhậu hàng giờ, gây tổn thương dạ dày. Rượu sau khi vào dạ dày, tiếp xúc với các enzym sẽ chuyến hóa thành chất gây hại. Rượu còn là dung môi để đưa các chất độc hại từ thuốc lá thấm sâu vào cơ thể thông qua các cơ quan hô hấp, tiêu hóa, gan mật, tiết niệu…

Căng thẳng, áp lực kéo dài

Việc tăng ca thường xuyên, làm việc với áp lực phải chạy deadline, doanh số gây tâm lý căng thẳng, khiến các hormone từ tuyến yên sẽ kích thích dạ dày tiết ra nhiều acid hơn, đồng thời suy giảm miễn dịch tại chỗ, gây tổn thương niêm mạc dạ dày, hình thành các vùng viêm loét.

Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên thiết lập lại thời gian, công việc để chăm sóc sức khỏe. Nên ăn nhiều rau, củ, quả và hạn chế thực phẩm gây hại dạ dày như cà phê, chất kích thích, món ăn cay, nóng… Người có bệnh dạ dày nên có chế độ ăn khắt khe hơn, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày giúp dạ dày hoạt động hiệu quả, tránh quá tải. Nên ăn chậm, cắt thức ăn thành miếng nhỏ cũng khắc phục triệu chứng ợ chua. Mọi người dành thời gian từ 30 phút đến một tiếng mỗi ngày để tập luyện, giảm béo, cải thiện đời sống tinh thần.

Minh An

Có thể bạn quan tâm